Khu bảo tồn Sao la – Không chỉ có Sao la, mà còn là ngôi nhà chung của nhiều loài quý hiếm

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới hiện đang sống tại những cánh rừng tự nhiên của dãy Trường Sơn. Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992, do đoàn khảo sát của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn Quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con Sao la nữa cũng trong năm 1992.

Vào năm 1998, hai cá thể Sao la khác cũng đã được phát hiện và công bố tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phân bố của loài thú này trên bản đồ đa dạng sinh học của tỉnh. Các phát hiện này bao gồm một con đực (52 kg) xuất hiện tại thôn Hộ, xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy (nay là Thị xã Hương Thủy) và một con cái đang mang thai (80 kg) tại khu vực rừng của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới. Phát hiện thứ ba cũng không kém phần quan trọng là vào năm 1999, một con Sao la con có trọng lượng 10 kg đã xuất hiện tại bản Bụt, thuộc xã Hương Nguyên. Các phát hiện này đã đóng góp rất lớn đối với kho tàng đa dạng sinh học không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nhà khoa học trên toàn thế giới. Một loài thú lớn đã tồn tại rất lâu nhưng mãi đến cuối thế kỷ XX mới phát hiện được và vẫn đang còn tồn tại với nhiều bí ẩn ở khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ tháng 11/1996 đến tháng 2/1997, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều cuộc khảo sát nhằm xác định về sự phân bố của loài Sao la ở địa bàn tỉnh. Kết quả đã cho thấy loài Sao la vẫn còn tồn tại ở 19/40 xã thuộc 5 huyện (A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền) và nhiều mẫu vật của loài này đã được thu thập.

Tiếp nối các thành công đó, và mong muốn hơn nữa về những cánh rừng giàu tài nguyên và đa dạng sinh học, ngày 09/10/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quyết định số 2020/QĐ-UBND về việc thành lập Khu bảo tồn Sao la. Theo đó, Khu bảo tồn này có tổng diện tích 15.519,93 ha và trải dài trên địa bàn 3 xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), xã Thượng Quảng, Thượng Long (huyện Nam Đông) với nhiều mục tiêu bảo tồn quan trọng, trong đó có “bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng và tài nguyên thiên nhiên; khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, các loài động thực vật quý hiếm khác trong phạm vi khu bảo tồn, đặc biệt quần thể Sao la và hai loài thú móng guốc khác là Mang lớn và Mang trường sơn”.

Qua hơn 2 năm hoạt động, Khu bảo tồn Sao la đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận khi mà nhiều diện tích rừng đã được quản lý bảo vệ tốt, tình trạng lâm dân vào khai thác trái phép đã giảm hẳn so với trước đây. Đặc biệt là với các phát hiện quan trọng đối với công tác bảo tồn loài, nhiều loài thú quý hiếm đã được phát hiện và đang sinh sống trong phạm vi khu bảo tồn.

Trong những chuyến đi khảo sát, tuần tra giám sát đa dạng sinh học dài ngày, Đoàn nghiên cứu và tổ tuần tra đã phát hiện được một cá thể thỏ vằn (Nesolagus Timminsi) – đây là loài thú cổ còn sót lại và chỉ có loài này là một trong hai loài thỏ duy nhất có sọc, là loài đặc hữu chỉ có ở nước bạn Lào và Việt Nam. Việc phát hiện cá thể thỏ vằn này ở khu vực rừng thuộc Khu bảo tồn Sao La có giá trị quan trọng đối với công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn loài, nhưng cũng là một trong những thách thức đối với công tác bảo tồn của cơ quan sở tại nơi đây.

Cũng trong như trong các lần tuần tra, tháo gỡ bẫy khác, các cán bộ của Khu bảo tồn Sao La đã tháo gỡ được nhiều loại dây bẫy và cứu hộ thành công rất nhiều loài động vật quý hiếm, có thể kể đến như loài Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), hay loài Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), còn gọi là “nàng tiên ngũ sắc” của rừng xanh…

Công cuộc bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học vẫn luôn là thách thức đối với các nhà quản lý cũng như những chuyên gia bảo tồn; câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cân bằng được những lợi ích phát triển kinh tế xã hội hài hòa với việc bảo tồn những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại – là nơi trú ấn của các loài muông thú hoang dã. Hy vọng trong những năm tiếp theo, Khu bảo tồn Sao la sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của những loài động vật hoang dã và là ngôi nhà chung của muôn loài; loài Sao La sẽ được bảo vệ và phát triển, cũng như mong muốn của chúng tôi là những nhà bảo tồn – Khu bảo tồn Sao La, không chỉ có Sao La./.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ đồng nghiệp và internet)

http://kiemlamthuathienhue.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *