Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn và thổ nhưỡng của Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH, KHÍ HẬU, THỦY VĂN VÀ THỔ NHƯỠNG

Vị trí địa lý, địa hình

Vị trí địa lý

Tổng diện tích tự nhiên của KBT là 15.519,93 ha, thuộc địa bàn 3 xã: xã Hương Nguyên huyện A Lưới và xã Thượng Quảng, Thượng Long huyện Nam Đông, tiếp giáp với 2 xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) và A Roàng (huyện A Lưới).

Khu bảo tồn có tọa độ địa lý:

Từ160 03’07” đến 160 09’50” vĩ độ Bắc.

Từ 1070 25’41” đến 1070 33’39” kinh độ Đông.

Phạm vi ranh giới

Ranh giới phía Bắc:

          Ranh giới phía Bắc của KBT bắt đầu từ ngã ba khe A Rít và sông Hữu Trạch, chạy dọc khe A Rít  theo hướng Tây Nam, theo dông lên đỉnh 572. Từ đỉnh 572, ranh giới KBT chạy dọc dông theo hướng Tây Bắc qua đỉnh 542 đổ về sông Chà Linh (gần ngã 3 sông Dòng), đến đây, ranh giới KBT chạy theo hướng Tây Nam, dọc theo sông Cha Linh và lên đỉnh 714 và từ đỉnh 714, ranh giới khu bảo tồn chạy theo hướng Tây, xuống ngã ba suối A Bung.

Ranh giới phía Tây:

          Ranh giới phía Tây của Khu bảo tồn bắt đầu từ ngã ba suối A Bung, chạy dọc dông theo hướng Nam lên đỉnh 1068. Từ đỉnh 1068, ranh giới Khu bảo tồn chạy dọc dông theo hướng Đông Nam và gặp ranh giới quốc gia (Việt Nam – Lào), lúc này ranh giới Khu bảo tồn chạy dọc ranh giới quốc gia đến núi Bơ Rơ (ngã 3 ranh giới Lào – Quảng Nam – Thừa Thiên Huế).

Ranh giới phía Nam:

          Ranh giới phía Nam của Khu bảo tồn xuất phát từ núi Bơ Rơ chạy dọc theo ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đến đỉnh 1406. Tại đỉnh 1406 ranh giới Khu bảo tồn chạy dọc dông theo hướng Đông xuống đỉnh 1203 giáp ranh vườn Quốc gia Bạch Mã và theo ranh giới vườn Bạch Mã xuống đỉnh 1093.

Ranh giới phía Đông:

Ranh giới phía Đông của Khu bảo tồn xuất phát từ đỉnh 1093, theo hướng Tây Bắc đổ xuống khe A Roằng, tại đây ranh giới Khu bảo tồn chạy theo hướng Tây Bắc lên đỉnh 1204, sau đó chuyển hướng Nam theo dông xuống đỉnh 1100, sau đó  chuyển hướng Nam xuống đỉnh 934. Tại đây, ranh giới chạy theo dông về hướng Tây Bắc qua đỉnh 1185 và xuống đỉnh 1106, chuyển hướng Tây Nam xuống đỉnh 955, sau đó chuyển hướng Bắc, theo dông đổ về khe A Rít và sông Hữu trạch.

Địa hình, địa mạo

KBT Sao la có địa hình núi thấp và núi trung bình. Độ cao thấp dần về hướng Bắc với độ cao thấp nhất là 120m, độ cao lớn nhất là 1.232 m. Độ dốc của khu vực khá lớn, độ dốc thấp nhất 200, độ dốc cao nhất hơn 350, độ dốc bình quân của khu vực 250. Do địa hình bị phân cắt mạnh và sâu nên xuất hiện những thung lũng hẹp hoặc các lòng suối nhỏ, dốc với nhiều thác ghềnh.

Khí hậu, thủy văn, địa chất và thổ nhưỡng

Khí hậu:

KBT Sao la có điều kiện khí hậu mang những nét đặc trưng chung của vùng khí hậu gió mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của địa hình là sườn đông của dãy Trường Sơn, nên mùa mưa ở đây đến sớm và kéo dài hơn, nhiệt độ thấp và lượng mưa lớn hơn. Theo số liệu thống kê trong 10 năm trở lại đây cho thấy, mùa mưa bắt đầu khoảng tháng 5, 6 và kéo dài đến tháng 12, lượng mưa bình quân từ 3.400 – 3.800 mm/năm. Mưa lớn tập trung vào tháng 9 – 12, trong giai đoạn này lượng mưa thường chiếm 80 – 85% lượng mưa trong năm. Độ ẩm tương đối trung bình 87 – 88%, độ ẩm thấp nhất 75 – 77% (tháng 6), độ ẩm tương đối cao nhất 95 – 96% (tháng 12). Nhiệt độ trung bình năm của khu vực từ 22 – 24,50C, nhiệt độ thấp nhất trong năm đo được 11 – 120 C.

Thủy văn:

Các con sông và suối chính ở KBT Sao la đều bắt nguồn từ phía Tây và chảy ra hướng Đông. Hầu hết các khe suối đều đổ về sông Hữu Trạch, một trong những nhánh chính của sông Hương ở Huế.  Là khu vực thuộc đầu nguồn của sông Hữu Trạch, do địa hình chia cắt mạnh và sâu nên các dòng chảy thường hẹp, dốc và nhiều thác. Tuy nhiên, do có độ che phủ rừng cao, trên 90% nên các các con suối ở đây ít khi bị cạn kiệt.

Địa chất và thổ nhưỡng:

  •  Địa chất

Khu vực Khu bảo tồn là một phần của dãy Trường Sơn, nằm trên thềm kết tinh cổ cấu tạo bởi đá gơnai tiền Cambrian, với các trầm tích biển và lục địa bị biến thái ít nhiều sâu sắc như các đá cát khác nhau, đá phiến sét, đá xanh xám. Ở vài nơi có các mạch granít xâm nhập như ở phần đất thấp của xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông.Ở phần lớn vùng nghiên cứu, đá mẹ (nền vật chất) gắn kết với các mạch quáczít ít nhiều chặt chẽ để tạo nên các tảng quáczít lộ đầu gây ấn tượng mạnh. Trong khu vực có 3 loại nền vật chất chủ yếu là đá Granit (14%); đá sét và biến chất (24%); đá cát (62%).

  •  Đất đai

Trên cơ sở nền vật chất và yếu tố địa hình, hình thành nên 2 dạng đất chủ yếu: đất feralit núi thấp và đất feralit mùn núi trung bình phân bố ở đai cao lớn hơn 700m. Nhìn chung, các dạng đất có tầng đất mỏng và trung bình (< 80 cm), hàm lượng mùn cao do có rừng tự nhiên che phủ. Tỷ lệ đá lộ đầu khá lớn (> 15%), đây là đặc điểm rất thích hợp với sinh cảnh của các loài thú móng guốc như Sao la.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *