Giới Thiệu

Lịch sử hình thành và phát triển

Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La được thành lập theo Quyết định số 408/QĐ – UBND ngày 27 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý bảo vệ rừng và chống săn bắt động vật hoang dã trong địa bàn quản lý.

BQL Khu bảo tồn Sao La có diện tích 15.324,23 ha bao gồm 15 tiểu khu, trong đó có 9 tiểu khu thuộc địa giới hành chính huyện A Lưới (gồm các TK 345, 346, 347, 348, 349, 350, 351, 352 và 353) và 6 tiểu khu thuộc địa giới hành chính huyện Nam Đông (gồm các TK 398, 402, 403, 404, 405 và 409).

Cơ cấu tổ chức

Lãnh đạo Ban quản lý: Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế có Giám đốc và Phó Giám đốc được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và miễn nhiệm theo Quyết định số 2827/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quy định phân cấp về tổ chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các tổ chức thuộc Ban quản lý:

  • Phòng Hành chính – Tổng hợp.
  • Phòng Quản lý bảo vệ rừng.
  • Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế.

Giám đốc điều hành hoạt động của Ban quản lý, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về hoạt động của Ban quản lý.

Phó Giám đốc giúp Giám đốc theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công.

Chức năng nhiệm vụ

Chức năng

Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT TT Huế, có chức năng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn. Đồng thời tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trái phép.

Nhiệm vụ

– Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng và tài nguyên thiên nhiên; khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, các loài động, thực vật quý hiếm khác trong phạm vị Khu bảo tồn, đặc biệt bảo tồn quẩn thể Sao La và 2 loại thú móng guốc khác là Mang lớn và Mang Trường Sơn.

– Bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài, nguồn gen có trong mỗi loài và các sinh cảnh, cảnh quan của các khu rừng năm trong phạm vi Khu bảo tồn.

– Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh còn sót lại ở khu vực Trung Trường Sơn, cũng là diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn của Sông Hương và Sông Bồ.

– Phối hợp với các cấp chính quyền để bảo vệ các nguồn tài nguyên khác; thực hiện các biện pháp phòng, chống chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng; ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến rừng.

– Lập và tổ thức thực hiện các dự án đầu tư sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập các dự toán chi phí hàng năm cho các hoạt động của đơn vị và quản lý sử dụng kinh phí đầu tư theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

– Tổ chức các hoạt động về hợp tác quốc tế theo sự phân công của các cơ quan có thẩm quyền và các quy định hiện hành của Nhà nước về lĩnh vực này.

– Nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về bảo tồn thiên nhiên, thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương với Nhà nước và các tổ chức Quốc tế.

– Thông qua các hoạt động quản lý Khu bảo tồn để góp phần phát triển kinh tế xã hội các xã giáp ranh.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động và chương trình nghiên cứu khoa học Khu bảo tồn theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản.

– Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở quy định.

– Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về việc quản lý cán bộ, viên chức và sử dụng tài sản công, cũng như các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động của Khu bảo tồn theo quy định của Nhà nước và Quy chế của Sở.